Thế giới của những ước muốn
Còn nhớ ngày này năm ngoái mình còn đang đi healing ở trên Sóc Sơn, lần ấy đi vậy mà cũng vật vã lắm.
Mình cứ nghĩ là một đứa hướng nội “thuần chủng” như mình đi thì sẽ nhẹ nhàng cơ, ấy thế mà mấy ngày đầu cũng kiểu: “Ủa, ở nhà đang sướng tự nhiên rúc lên đây làm chi vậy.”. Từ việc phải dậy sớm đúng 4h30, đến việc phải giữ im lặng ko được nói chuyện với bất kì ai, rồi thì ngồi thiền cả ngày, mấy ngày đầu mình còn đau khắp cả người luôn. Rồi thì bao nhiêu thói quen hay dùng điện thoại, lướt internet thì giờ đây mình bị cắt hết kết nối với thế giới bên ngoài. Ấy thế mà mấy ngày sau đấy lại là mấy ngày mình cảm thấy thật nhẹ nhàng, thật thoải mái, thật yên bình. Nói thật là mình chưa có cảm giác “ngộ” giống mọi người hay kể, nhưng so với cái cảm xúc vật vã trước hồi đầu lên đấy thì lúc về cũng đỡ đi nhiều.
Cũng nhờ 10 ngày đấy mà mình có cơ hội được học thiền Vipassana một cách bài bản, còn có thể ngồi im 1h đồng hồ liên tục mà ko cựa quậy hay nhúc nhích gì, hơi kì lạ là khi về nhà thì mình ko ngồi được lâu liên tục như vậy, với chân cũng nhanh bị tê hơn.
Còn nhớ trong một bài pháp thoại buổi tối mình có nghe được câu chuyện với nội dung theo trí nhớ của mình như thế này:
Có 4 cậu bé, mỗi cậu bé được tặng một điều ước. Cậu bé thứ nhất ước có một que kem, cậu bé thứ hai chê cậu bé thứ nhất dại và ước có nguyên một nhà máy kem, như thế thì cậu có thể ăn kem thoả thích. Cậu bé thứ ba chê cậu bé thứ hai dại và cậu bé này này ước là mọi điều mà cậu ước sẽ trờ thành sự thật. Thế là cậu có thể thoải mái thoả mãn mọi ước muốn của cậu Đến lượt cậu bé thứ tư, thì cậu bé này chỉ ước là cậu sẽ chẳng còn một ước muốn nào nữa.
Thoạt nhìn qua câu chuyện trên thì ta nghĩ cậu bé thứ ba là cậu bé thông minh và khôn ngoan nhất. Nhưng người chiến thắng cuối cùng thì lại là cậu bé thứ tư.
Đời người nhiều khi cũng vậy, người ta cứ nghĩ phải đến được A, có bằng được A thì mới hạnh phúc. Nhưng đến khi có được A, được một thời gian người ta lại nghĩ rằng phải có được B thì mới là hạnh phúc, rồi người ta lại lao đầu ra theo đuổi B. Đến khi có được B, rồi người ta lại đi tìm X, Y, Z. Cả cuộc đời người, ta cứ lao đi như vậy nhưng chẳng bao giờ dừng lại và tự hỏi cái gì mới thật sự là hạnh phúc.
Thế gian này quanh đi quẩn lại thì người ta cũng chỉ chạy theo 3 chữ danh - lợi - tình. Người ta nghĩ rằng phải có danh lợi, có tiền bạc, có người tình thì mới hạnh phúc được. Nhưng cũng chẳng thiếu những người có đủ những thứ đó mà họ vẫn thấy chẳng hạnh phúc. Mình còn nhớ đọc đâu trên mạng xã hội có meme vui như thế này
Tiền bạc không quan trọng - Người giàu
Vẻ bề ngoài không quan trọng - Người đẹp
Hay như câu nói nổi tiếng của bác Đặng Lê Nguyên Vũ:
Tiền nhiều để làm gì?
Người ta sẽ bảo là: “Ông giàu rồi thì ông nói gì chả đúng, ông có phải chạy ăn từng bữa không mà nói tiền không quan trọng”. Hay kiểu: “Không có tiền rồi lúc ốm đau bệnh tật rồi mới biết tiền quan trọng”. Mình thấy trừ trường hợp sinh ra bị khuyêt tật, bệnh tật, hay bị tai nạn, hay gia đình bị bạo hành từ nhỏ thì đúng là bất hạnh thật. Mình chưa từng ở trong mọi hoàn cảnh của tất cả mọi người, nhưng mình nghĩ sinh ra có một cơ thể lành lặn khoẻ mạnh, gia đình bình thường đã là rất may măn rồi.
Hồi còn bé, có những phút giây mình đã từng rất vui vẻ, hạnh phúc, buổi trưa thì đi hái quả tắm ao, đi mò cua, bắt ốc. Hồi nhỏ gia đình mình cũng chẳng có điều kiện, mình còn nhớ có nhà mình tỉa lạc xen kẽ với mía, thế là ăn lạc quanh năm, ấy thế mà mình vẫn chưa bao giờ chán. Những thứ đó vốn dĩ chẳng cần nhiều điều kiện. Lớn lên một chút, bị bao nhiêu bổn phận trách nhiệm, rồi lo lắng, rồi áp lực của một cái hình mẫu mà xã hội đặt ra, rồi tự nhiên mình lại quên đi những thứ đơn giản nhất, quên đi là mình vốn là những điều kiện trong hiện tại đã đủ để cho mình hạnh phúc rồi.
Hôm qua mình được đi nghe “talk show” của thầy Minh Niệm, nghe thầy kể chuyện về một bạn trong khoá huấn luyện của thầy mà thấy thật sư khâm phục. Bạn này bị bệnh, nhưng có ước muốn đến gặp thầy, đã từ tận trong Nghệ An vào Đà Lạt gặp thầy. Rồi lần thứ 2 bạn gặp thầy là trong tư cách là học viên của khoá huấn luyện. Bạn mang trong mình bệnh tật mà còn tham gia làm lợi lạc cho biết bao nhiêu người, lúc đấy thiếu nước mình chỉ muốn tự tát vào mặt mấy cái cho tỉnh, có tí chuyện bé tí mà ôm mãi nhai đi nhai lại từ năm ngoái đến năm nay.
Có một đợt trong đầu mình cứ vang đi vang lại một đoạn thơ:
Ta vẫn còn, đến đi thong dong
Có không, còn mất, chẳng băn khoăn
Bước chân con, hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết, một vầng trăng
Mình có dịp nghe đoạn này cũng trong 1 talk show của thầy. Mình không hiểu được nhiêu lắm, nhưng mình nghĩ, chỉ cần vẫn còn sống với hiện tại là được, còn lại mọi sự thành bại, hợp tan, được mất, đến đi thì do duyên. Đến cũng được, mà đi cũng được.
Leave a comment